Thông tin bài hát:
Các bạn không đọc nhầm đâu, một tấm ảnh GIF được coi là vũ khí chết người.
Thứ Hai vừa rồi tại tòa án hạt Dallas, một thanh niên đối mặt với bản án nghiêm trọng vì đã gửi đi một … tấm ảnh GIF khiến Kurt Eichenwald - một cây bút của tờ Newsweek, người có tiền sử bị động kinh – lên cơn tai biến hồi cuối năm ngoái.
Các bạn có thể thấy cảnh báo về việc “người động kinh không nên xem những hình ảnh này” ở một số bộ phim, video ca nhạc hay những trang đăng ảnh trên mạng. Việc co giật gây ra bởi ánh sáng từ những nguồn như thế cũng đã được đưa ra tòa vài lần trong quá khứ. Ví dụ, trong một tập phim Pokémon được chiếu năm 1997, khi Pikachu phóng điện, hình ảnh nhấp nháy chói sáng ấy đã khiến 685 đứa trẻ phải nhập viện.
Nhưng đây là lần đầu tiên có sự vụ một người gửi ảnh qua mạng và bị buộc tội gây nên việc co giật cho một người mắc chứng động kinh.
Do hình ảnh này rất nguy hiểm nên chúng tôi xin được phép không sử dụng trong bài viết.
Kurt Eichenwald, người trong quá khứ đã từng kể với công chúng về tiền sử động kinh của mình, đã trải qua một cơn co giật kéo dài 8 phút hồi tháng 12 vừa qua, khi ông mở một dòng tweet kèm một hình GIF nháy sáng liên tục với một dòng chữ: “Ông đáng bị co giật bởi những bài viết của mình”.
Vợ của Eichenwald đã phát hiện ra chồng mình co giật và đã báo ngay cho 911. FBI đã bắt giam John Rivello – người đã gửi tấm ảnh GIF cùng thông điệp không mấy thân thiện kia, và anh ta cũng đã bị buộc tội với tội danh “theo dõi người khác qua mạng” và “tấn công nghiêm trọng người khác với một vũ khí chết người”.
“Tôi nghĩ những hàm ý trong vụ bắt giữ này rất đơn giản, rằng những nhà hành pháp sẽ không thể nhẹ tay với những người tấn công nhà báo kể cả khi họ sử dụng những công cụ công nghệ mới như một tin nhắn Twitter chẳng hạn”, luật sư của ông Eichenwald, ông Steven Lieberman nói.
Những vụ án như thế này sẽ liên quan trực tiếp tới khoảng 10.000 người mắc chứng động kinh nhạy cảm với hình ảnh tại Mỹ. Dù đó là con số phần trăm nhỏ trong tổng cộng 2,7 triệu người Mỹ mắc chứng động kinh, nhưng đó vẫn là mối nguy hiểm cho một phần cộng đồng, những nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.
Nhà báo Kurt Eichenwald.
“Khắp nơi đâu cũng có những mối đe dọa tiềm tàng tới từ môi trường xung quanh: rạp chiếu phim, các vũ trường, những buổi hòa nhạc, mạng Internet, trên đường phố hay thậm chí ngay tại nhà”, Quỹ tài trợ Ngăn ngừa Động kinh phi lợi nhuận đưa ra lời cảnh báo. Có một số màu sắc nhất định sẽ gây ảnh hưởng nặng nề hơn những màu sắc khác.
Những vụ kiện liên quan tới động kinh cũng rất phổ biến trong ngành công nghiệp game. Ít nhất là từ năm 1991 khi ông Douglas L. Webster, một luật sư tại Michigan đã kiện Nintendo sau khi một cô bé 15 tuổi lên cơn động kinh sau khi chơi game của hãng này. Năm 2004, Nintendo cũng đã bị cáo buộc rằng họ biết rõ những trò chơi của mình có thể gây ra động kinh.
Nhưng vụ việc của ông Eichenwald cũng khiến nhiều người hoài nghi. Rằng là nhà báo này ngoài tiền sử động kinh, anh cũng có tiền sử đưa thông tin sai sự thật. Nhiều người còn đặt dấu hỏi vào việc tại sao vợ anh lại mất thời gian ngồi tweet trong khi chồng mình thì đang lên cơn co giật.
Một phần khác đến từ sự bất ngờ của cộng đồng, rằng một cái ảnh GIF đơn thuần có thể khiến một người gặp nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù đã có những nghiên cứu về việc ánh sáng nhấp nháy có gây ảnh hưởng khiến những người mắc chứng động kinh.
“Sự việc này chẳng liên quan gì tới tự do ngôn luận cả”, ông Danielle Citron, học giả luật tại Đại học Maryland nói về việc John Rivello gửi ảnh cùng với một thông điệp không mấy thiện cảm cho Eichenwald. “Nó không hề có giá trị bộc lộ bản thân nào và nó cũng không hề thể hiện góc nhìn hay ý kiến cá nhân của ai”.
Với những người thi hành bản án, hình ảnh GIF kia hoàn toàn là có chủ đích tấn công người bị hại. “Rõ ràng rằng anh ta biết thân chủ của tôi bị động kinh”, luật sư Lieberman nói. “Họ đã thấy một điểm yếu của ông và khai thác nó”.
Những hình ảnh nhấp nháy gây co giật ấy không phải là khó tìm trên mạng Internet và Eichenwald cũng khẳng định rằng mình đã nhận được những hình ảnh này ít nhất là 40 lần chỉ nội trong năm ngoái.
Hồi năm 2008, Quỹ tài trợ Động kinh đã tiến hành đóng cửa một forum sau khi người dùng liên tục đăng những tấm ảnh gây co giật lên trang. RyAnne Fultz, một người mắc chứng động kinh sau khi ấn nhầm vào một đường link đã kể lại rằng khi những màu sáng chói tỏa khắp màn hình, “đầu tôi đã rất đau, đó là những cơn đau chỉ xuất hiện ở những cơn co giật rất nặng”. Cô cũng nói thêm rằng cô đã không còn phải chịu những cơn co giật nặng nữa trong khoảng 1 năm rồi, cho tới khi xem những hình ảnh trên diễn đàn.
Một số nước cũng đã đề ra những biện pháp bảo vệ đặc biệt. Tại Thế vận hội Olympics tại London năm 2012, 18 người đã lên cơn co giật bởi hình ảnh nhấp nháy của logo Thế vận hội, khiến cho Vương quốc Anh phải nhanh chóng đưa ra chỉ đạo về việc điều khiển hình ảnh được phát trên truyền hình. Nhật Bản cũng có một chỉ đạo như vậy với các kênh phát sóng truyền hình, sau vụ việc liên quan tới Pokémon.
Thứ Hai vừa rồi, giấy xác nhận bệnh lý đã thêm tội danh cho Rivello, buộc tội anh ta tấn công người khác với “một vũ khí chết người, cụ thể: một dòng tweet và một Định dạng Trao đổi Hình ảnh (graphics interchange format - GIF) và một thiết bị điện tử và chính anh ta trong quá trình tấn công”.
Tham khảo Motherboard